Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

Thăng Long trở thành phế đô vào thời trào Nguyễn ?


Thăng Long trở thành phế đô vào thời trào Nguyễn ?


Thăng Long ngàn năm văn hiến, với vai trò vị trí là kinh đô của nước Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18, niềm tự hào của sĩ phu và dân chúng Bắc Hà, sự thực đã chấm dứt vai trò lịch sử từ năm 1788 dưới triều Tây Sơn chứ không phải năm 1802 dưới thời Gia Long, vị vua mở đầu triều Nguyễn như nhiều người lầm tưởng.

Năm 1786, họ Trịnh thất bại trong việc khôi phục lại địa vị, Trịnh Bồng chạy khỏi kinh thành,

Lê Chiêu Thống ngầm cho người đốt phủ chúa đi. Đám cháy lan khắp hai phần ba kinh thành và cháy trong mười ngày liền, làm mất đi một quần thể kiến trúc đẹp của Thăng Long. Điều này được sách Hoàng Lê nhất thống chí chép như sau:

” …Sớm hôm sau, hoàng thượng mới biết là Án Đô vương đã trốn đi lúc ban đêm tức thì ngầm sai người phóng hoả đốt hết phủ chúa. Khi phủ cháy, khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt”

.Thế là hai trăm lâu đài cung khuyết huy hoàng bỗng chốc đã thành bãi đất cháy đen. Xa gần nghe thấy tin đó, ai cũng thương chúa và trách vua làm quá đáng. Hôm ấy nhằm ngày mồng 8 tháng chạp năm Bính Ngọ (1786)

Như vậy đã rõ, chính Lê Chiêu Thống là kẻ đã ra lịnh hủy hoại công trình kiến trúc có giá trị vào loại bậc nhất của Thăng Long chứ không phải Nguyễn Hữu Chỉnh làm chuyện này như nhiều sách đã viết.

Năm sau 1787, Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Chiêu Thống bỏ kinh đô bôn tẩu và Thái hậu chạy sang Quảng Tây cầu viện nhà Thanh.  Xứ Bắc Hà trở thành một phần lãnh thổ của Tây Sơn và kể từ đây Thăng Long không còn là kinh đô nữa.

Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế Quang Trung tại kinh đô Phú Xuân (kinh đô cũ của nhà Nguyễn) trước khi Bắc tiến tiêu diệt 29 vạn quân Thanh.

 Mười ba năm sau (1802), Nguyễn Vương lên ngôi hoàng đế cũng tại kinh đô Phú Xuân trước khi Bắc tiến tiêu diệt bọn Quang Toản, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, kinh đô Phú Xuân hai lần chứng kiến hai cuộc lên ngôi chính danh của hai vị hoàng đế trước khi Bắc phạt , một để đánh đuổi quân xâm lược ngoại bang, giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc, một chấm dứt cuộc nội chiến, thu giang san về một mối.

Trong cả hai lần , Thăng Long đều đóng vai trò chứng nhân lịch sử một cách thụ động.

Có thể nói Thăng Long trở thành phế đô là một tất yếu của lịch sử, do sự tác động chính từ bên trong (sự mục ruỗng thối nát của chế độ Lê-Trịnh) chứ không phải do một thế lực bên ngoài nào,

Tây Sơn chỉ đóng vai trò là người kết thúc mà thôi.

Nếu không phải là Tây Sơn thì cũng là một lực lượng khác từ phía Nam hoặc từ phía Bắc tiến vào xóa sổ nhà Lê mạt như lời của Vũ Văn Nhậm

Ai ở trong cảnh nước mất nhà tan thì mới hiểu cho nổi niềm của kẻ nhà tan nước mất, chúng ta hết sức thương cảm cho tấm lòng trung trinh hoài Lê của Nguyễn Du và Bà Huyện Thanh Quan nhưng xâu chuổi các sự kiện lại thì Thăng Long sụp đổ là một biến cố rất logic bởi vượng khí đã lụi tàn. khắc họa rõ trong bài thơ của  Bà Huyện Thanh Quan

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường]



Lòng riêng ai đó có thể vì nuối tiếc mà sinh lòng oán ghét cái mới nhưng nếu bình tâm xem xét thì Thăng Long lúc ấy thua xa Phú Xuân và Gia Định về mọi mặt : kinh tế suy thoái, trật tự suy đốn, đạo lý lụi tàn, dép mũ đảo lộn.

Điển hình là việc viên trấn thủ Kinh Bắc Nguyễn Cảnh Thước trấn lột cả vua Lê Chiêu Thống thế cô đang trên đường bôn tẩu ” …Vua cho Thước tất cả. Thước liền gọi lái đò đưa thuyền đến bến, chở nhà vua cùng đám người cùng đi qua sông. Khi vua đã lên bờ, Thước lại cho người đuổi theo lột chiếc áo ngự bào vua đang mặc. Vua ứa nước mắt cởi áo ngự bào trao cho chúng, rồi chạy về núi Như Thiết”
 Thật khác với vua Gia Long, dù bao phen bị Tây Sơn truy đuổi gay gắt thập tử nhứt sinh nhưng đều vượt qua được nhờ sự chở che của người dân miền Nam.


Thành Thăng Long khi ấy không tự bảo vệ được mình, các đạo quân chiếm đóng lần lượt đến rồi đi như :

Quân Tây Sơn của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ (1786),
Quân Nghệ An của Nguyễn Hữu Chỉnh (1787),
Quân Tây Sơn của Vũ Văn Nhậm (1787),
Quân Thanh xâm lược của Tôn Sĩ Nghị (1788),
Quân Tây Sơn của vua Quang Trung (1789) rồi sau này là quân Nguyễn của vua Gia Long (1802) thay nhau vào ra Thăng Long như chốn không người, một phần bởi địa hình công dễ thủ khó nhưng phần lớn do tướng bất tài, quân bê trễ, triều đình không còn kỷ cương.

Xâu chuổi các biến cố lịch sử có ảnh hưởng đến đại cục đất nước qua ba thế kỷ thứ 16, 17 và 18, ta thấy luôn luôn xảy ra ở phương Nam, là xuất phát điểm cho những mầm mống mới :

Lê trung hưng (1533),
Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa(1558),
Tây Sơn khởi nghĩa (1771),
Chúa Nguyễn xưng vương (1780),
Quang Trung xưng đế (1788) và cuối cùng là vua Gia Long lên ngôi (1802).

Thuở sinh tiền, vua Quang Trung đã chọn Nghệ An làm kinh đô vì đó là trung tâm của đất nước do ông cai quản (từ Quảng Nam đến Lạng Sơn) chứ cũng không chọn Thăng Long.

Tiếc thay, vận số quá ngắn ngủi của người anh hùng Tây Sơn khiến dự định không thành. Hãy nghe lời trối trăng của vua Quang Trung cho bọn Trần Quang Diệu :

“…khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải lo chôn cất, việc tang làm lao thảo thôi. Bọn ngươi nên cùng nhau giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Bằng không quân Gia Định kéo đến thì bọn ngươi chết không có đất chôn thây đấy ..”

 Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường lý giải việc tại sao Quang Toản không thiên đô như di mệnh của vua Quang Trung như sau :

” Tính chông chênh của nhóm Tây Sơn Quang Trung thấy đầu tiên ở nơi vị trí trú đóng.
Nòng cốt của quân lực thì lấy ở đất Quy Nhơn mà lại đứng chân trên kinh đô của giòng họ Nguyễn.
Người cầm đầu cũng thấy điều ấy nên lăm le trở về Nghệ An, quê của tổ tông để tìm sự liên kết cố cựu.

Tuy nhiên thực tế đất ấy lại không còn là của họ nữa vì những người dân đang phải chịu tai ách của chiến tranh hơn cả lúc trước, như lời Nguyễn Thiếp trình bày, thì không có lòng dạ nào nhận bà con với người áp bức họ được. Quang Toản sau đó vẫn ở Phú Xuân là minh chứng”.

Sau ngày thống nhất đất nước, vua Gia Long cũng không chọn Thăng Long làm kinh đô vì nơi ấy không còn là trung tâm Đại Việt nữa.

Các chúa Nguyễn đã mỡ cõi rất xa về phía Nam suốt hai thế kỷ (1611-1760), đến tận Phú Quốc và Côn Đảo. Định đô ở Phú Xuân là một quyết định sáng suốt, phù hợp với tình hình Việt Nam lúc bấy giờ.

Nhà Thanh sau đó đã công nhận cho Gia Long làm vua nước Việt Nam,

Thăng Long cũng trở thành Bắc thành, ngang với Gia Định thành.

Huế tiếp tục là kinh đô cho đến khi thực dân Pháp tiến về “An Nam”  bằng hòa ước Giáp Thân 1884 (Hòa ước Patenôtre).
Tóm lại , “hào khí Thăng Long” trải qua các đời Lý, Trần, Lê đến cuối thế kỷ XVIII đã lụi tàn, cùng với việc ra đời của vương triều Nguyễn, kinh thành Huế (Phú Xuân) trở thành trung tâm đất nước về mọi mặt hành chính, kinh tế, văn hóa, quân sự là một sự thay đổi hợp quy luật biến đổi thịnh suy của vạn vật. Không có gì lạ!

Hoàn toàn không phải vì “… khiếp nhược trước phong trào nhân dân mà nhà Nguyễn không dám đóng đô ở Thăng Long, phải dời vào Huế…”, như lời nhận xét hàm hồ của một số người…..



Kiến Hào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét