Kim Long hiện nay như tồn tại song song ba thế giới đan quyện nhau.
Thế giới của bậc vương giả còn sót lại,
Thế giới của dân dã và thế giới của văn hóa đình làng đang bị mai một dần đi.
Tháng 7 năm 1687, Chúa Phúc Thái là người đầu tiên dời kinh về Phú Xuân, chúa cho xây đắp cung điện, thành quách rất tráng lệ. Vùng Phú Xuân rộng rãi bề thế hơn hồi còn ở Kim Long, bên bờ bắc sông Hương,
Vừa ra khỏi Đại Nội về hướng tây, vượt qua cồn Dã Viên là đường Nguyễn Phúc Nguyên trải dài dọc theo bờ bắc sông Hương và băng ngang phường Kim Long. Con đường luôn được làn gió nhẹ làm dịu mát không gian thổi từ sông Hương qua và nếu người lữ khách có dịp đi trên con đường này vào buổi sáng ban mai hay buổi hoàng hôn ban chiều trong tiết trời xuân khi Mặt Trời e ấp chiếu những tia nắng mảnh mai sau những hàng cây từ bờ kia sông thì không khỏi không nhớ đến đoạn thơ của Hàn Mặc Tử (1912 – 1940):
Trong làn nắng ửng, khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang.
Dấu vết lâu đài, thành quách phủ chúa khi Kim Long từng là kinh đô xứ Đàng Trong dưới thời chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601 – 1648) đến nay không còn nữa. Nó đã bị xóa sạch vào thời Tây Sơn (1788 – 1802). Tuy vậy, vào thời kỳ các vua Nguyễn (1802 – 1945), Kim Long lại là nơi thường lui tới của các bậc vương giả mà vua Thành Thái (1889 – 1954) có lần gặp một cô lái đò bình dân đã phải chịu một tiếng sét và thốt lên:
Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi.
Xưa kia, Kim Long là nơi cư trú của nhiều vị tướng và quan lại triều Nguyễn với những ngôi nhà nhiều gian rộng rãi rợp bóng mát những hàng cây. Sau nhiều biến cố, giờ đây, chỉ còn sót lại vài ngôi nhà như vậy. Mặc dù vậy, Kim Long vẫn được biết đến nhiều với các nhà vườn mà luôn có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và khung cảnh tự nhiên.
Hiện nay, Kim Long cũng hòa vào cuộc sống như mọi nơi khác. Các chợ được dựng lên ngay bên đường Nguyễn Phúc Nguyên với sự buôn bán tấp nập chen lẫn với các cổng đình, miếu đã từ lâu không được tôn tạo và tu sửa khiến cho Kim Long như tồn tại song song ba thế giới đan quyện nhau. Thế giới của bậc vương giả còn sót lại, thế giới của dân dã và thế giới của văn hóa đình làng đang bị mai một dần đi.
Vượt qua Kim Long vài km, con đường Nguyễn Phúc Nguyên dẫn đến một ngọn đồi tuyệt đẹp ngay chỗ uốn cong của dòng Hương Giang, đồi Hà Khê, mà trên lưng chừng đồi mọc lên một ngôi chùa mà lịch sử của nó gắn liền với sự hưng thịnh của các vua chúa triều Nguyễn. Đó là chùa Thiên Mụ.
Tham khảo:
Wikipedia
http://www.huefestival.com
http://khamphahue.com.vn
Ảnh: Hương Giang; Nhà vườn tại Kim Long; chợ bên đường Nguyễn Phúc Nguyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét