Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Giỗ quải dân Nam kỳ



Thường gần tới ngày giỗ quải dân Nam kỳ hay có câu cửa miệng là : 
" Tao đi bắt mấy con dzịt con gà  mần mâm cơm trước là cúng ông bà đất đai sau là đãi hàng xóm láng giềng"


Tại sao trong câu nói đó họ không phải là Heo hay Bò ?
Hồi xưa đám tiệc toàn cây nhà lá vườn có gì cúng nấy hõng cần đi mua gì ráo như bây giờ nên hễ nhà có nuôi gà vịt thì mần gà vịt cúng kiến
Họ ít nói mần Heo cúng mặc dầu ai cũng ăn heo nhưng vì ai cũng ăn nên nó phổ biến mà lại là món rẻ tiền từ đó nó trở thành một món ăn tầm thường.
Mà dân Nam Kỳ đa số bổn chất rộng rãi xả láng sáng về sớm bên đãi thì phải đàng hoàng phải là Gà là Vịt vì hai con này mắc tiền hơn Heo mà nhà nào cũng nuôi sau hè canh giỗ quải mà mần thịt.

Vậy Bò cũng mắc sao không mần Bò? 
Bò thường để cày ruộng hoặc lấy sữa nên không phải muốn mần là mần nên Gà Vịt là dễ mần nhứt
Còn "thịt chó" thì không đời nào nằm trong mâm giỗ Nam kỳ vì người Nam kỳ rất "kỵ thịt chó"
Ở trong Nam , dân theo Phật giáo từ thời Các Chúa Nguyễn, nên họ sùng kính đạo Phật dữ lắm đa.
Bị tin có trời có phật có tiên có thần nên cho rằng con chó là tướng trời là chó thần của Dương Tiễn nên không ai dám ăn " lính" của "ổng"
Với lại nghe ông bà xưa dặn nhà ai thờ Quan Công ăn thịt chó ông "quở" chết !!
Huống hồ dân Nam kỳ có câu có thờ có thiêng có kiêng có lành, họ hay kiêng kị đủ thứ cốt để an lành

Coi lợi mấy phim,tuồng hồi đó có cảnh đám giỗ phát mê.Trong ký ức của dân Nam Kỳ hồi xưa,đám giỗ luôn là nét văn hóa, cái tinh thần, niềm mong mỏi, chốn kỷ niệm. Tình cảm bà con hàng xóm,sự phóng khoáng,xởi lởi... hình như nó nằm hết trong cái đám giỗ.
Đám giỗ ở lục tỉnh,nhứt là miệt miền Tây,người ta có khi chuẩn bị mấy tháng trước đó lận.

Nè,nhắm ngày là thả bầy gà,vịt,heo,gạo,nếp lựa thứ ngon để dành... đến giỗ là mần cúng.
Gần tới đám thì phải đi cắt lá chuối phơi cho héo để gói bánh ít,tét lá dừa để làm bánh dừa, dừa khô cũng lột sẳn mấy chục trái để cần là có xài liền, ly tách chén dĩa phải đem ra rửa sạch sẽ, bàn thờ ông bà cũng dọn dẹp như thể tết tới để rình rang đón khách khứa… nói chung là cả ngàn thứ phải chuẩn bi.


Bộ ván là thứ hầu như gia đình Nam Kỳ hồi xưa nào cũng có, người ta ăn cơm trên đó, nằm ngủ trên đó, “quánh” bài từ sắc trên đó, mấy ông sương sương mấy xị đế cũng trên đó, con nít quậy phá bị bắt nằm cúi chờ đánh đòn cũng ở trên đó.


-Đồ múc ra tô dĩa, chuẩn bị dọn lên cúng cũng được để trên bộ ván này.
-Gói bánh cũng ở trên bộ ván đó luôn. Thau bột được để chính giữa, kế bên là một mâm đựng nhưn đậu và nhưn dừa đã vo viên tròn, vài chén dầu để cầm bột không dính, mấy xấp lá chuối đã phơi, được xé làm hai cỡ, cỡ lớn để gói, cỡ nhỏ để lót.

Không chi tiết vụ làm bánh ( vì cũng không biết:3).
Món bánh ít là món phải có của đám giỗ miền Tây, những món còn lại thay đổi theo từng nơi. Có nơi thêm bánh quy,bánh bò nướng...
Món chánh thì không thiếu gà/vịt nấu cà ry.
Rồi thì heo quay ăn với banh bao nhỏ chiên, bánh hỏi hoặc xôi. Gà nấu cháo,trộn gỏi ngó sen... Vịt quay bánh mì cũng luôn có trong danh sách,đó là những món hầu như nhà nào cũng mần trong ngày giỗ.Có thêm canh chua,thịt kho hột vịt cho khách ăn cơm.
Tráng miệng thường có chè,như chè đậu trắng,đậu đen,bắp...

Công đoạn vui nhứt là trước giỗ một ngày.

-Mấy bà thì vừa gói bánh ít, vừa nói chuyện giá cả, chuyện con cái, chuyện đi coi mắt con dâu, bàn xem nên ưng đám nào.
-Mấy ông thì ngồi rề rà rượu đế, nhắc cái thời trai trẻ hồi xưa, lính tráng oai vệ này kia.
-Con nít thì chạy giỡn,phá đồ cúng.
Đám giỗ còn là dịp bà con trong họ dẫn con dâu con rể, đứa con, đứa cháu mới đi xa về (hoặc chuẩn bị đi xa) đi chào mấy cô mấy bác.
Xong giỗ bà con đi về còn được một tụng đồ,có bánh ít,trái cây,có khi thêm ít thịt,thậm chí có " xà bần" về nhậu tăng hai.
Người Nam Kỳ biểu là" biếu chú/thím đem về ăn lấy thảo".
Thành ra hồi nhỏ ba má ăn giỗ về con nít hay có bánh trái " ăn ké".
Đúng: " được ăn được nói được gói mang dìa"
Ai được mời đi ăn đám giỗ ở miền "Lục Tỉnh" nhớ đừng từ chối nha.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét